Lượt xem: 2321

Tăng cường giáo dục đức tính “liêm chính” cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên luôn là yêu cầu quan trọng trong mọi giai đoạn cách mạng và đã được Đảng ta luôn nhấn mạnh trong các văn kiện của Đảng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống, bị các thế lực phản động lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Vì vậy, tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng nói chung, đức tính “liêm chính” nói riêng cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ cấp bách hiện nay của các tổ chức đảng.

 


Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với nhân dân xã Đại Thanh, Thường Tín năm 1958. Ảnh tư liệu, lưu Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

    Vấn đề đạo đức được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập rất toàn diện, trên mọi lĩnh vực hoạt động của con người và với mọi đối tượng, trong đó Người đặc biệt đề cập về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Vì theo Người, là những người có sứ mệnh lãnh đạo toàn dân làm cách mạng nên cán bộ, đảng viên trước hết phải có đạo đức cách mạng. Tức là: (1) Phải “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”; (2) “Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư ...”; (3) “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình”; (4) “Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc” ...

    Những phẩm chất nói trên có mối quan hệ biện chứng với nhau, thiếu một phẩm chất thì người cán bộ, đảng viên không thể làm tròn bổn phận với Đảng, với dân. Trong những phẩm chất đạo đức ấy, thì đức tính "liêm, chính" là phẩm chất đặc biệt quan trọng, quyết định nhân cách người cán bộ, đảng viên. Vì, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: (1) Cán bộ, đảng viên trước hết phải LIÊM, tức liêm khiết, trong sạch, không tham lam bất cứ điều gì ngoài ham học, ham làm, ham tiến bộ. Nếu ngược lại, tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên là bất liêm. Kẻ bất liêm thì có lòng tham vô độ, dẫn đến tha hóa nhân cách; (2) Cán bộ, đảng viên không chỉ cần liêm mà còn phải CHÍNH, tức là luôn chính trực, đúng mực, công tâm, không chỉ hành động theo nguyên tắc “việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh”, mà còn kiên quyết bảo vệ lẽ phải và đấu tranh quyết liệt với cái xấu. Tóm lại, người có đạo đức là người luôn liêm, chính, trung thực, khiêm tốn, nêu cao trách nhiệm, vị tha, không vị kỷ, lo cống hiến mà không đòi hưởng thụ, có ý chí, nghị lực, bản lĩnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nhất là vượt lên chính mình, chiến thắng chủ nghĩa cá nhân ngay trong bản thân mình.

    Trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thấm nhuần tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng ta đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu từng giai đoạn cách mạng; đại đa số cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng trong sáng, thực hiện liêm, chính nghiêm túc, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân làm nên những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay lại có một bộ phận cán bộ, đảng viên không giữ được mình, không giữ được liêm, chính, đã sa ngã và bị pháp luật xử lý theo quy định... Nguyên nhân của tình hình này có nhiều, nhưng cơ bản là:

    Trước hết, do chính bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng thường xuyên, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân, không làm chủ bản thân, không giữ được đức tính liêm, chính nên sa ngã trước những cám dỗ vật chất tầm thường, vi phạm pháp luật phải bị xử lý…

    Thứ hai, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống ở một số tổ chức đảng có lúc chưa được quan tâm đúng mức, nhất là chưa tạo được nhiều sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong giáo dục đức tính “liêm chính” cho cán bộ, đảng viên.

    Thứ ba, các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình gắn với quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên và đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ một số nơi chất lượng chưa cao.

    Trong tình hình hiện nay, để khắc phục tình hình trên, để mỗi cán bộ, đảng viên giữ vững và tiêu biểu đạo đức cách mạng, liêm, chính, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần quan tâm một số giải pháp sau:

    Một là, những giải pháp từ tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị:

    (1) Các cấp ủy, tổ chức đảng phải coi trọng giáo dục ý thức thực hành đạo đức liêm, chính cho cán bộ, đảng viên; có cơ chế kiểm soát, xử lý những người “bất liêm” cả về lời nói và hành động để răn đe, nhắc nhở cán bộ, đảng viên ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tạo môi trường xã hội lành mạnh để cán bộ, đảng viên “không muốn, không dám, không thể tham nhũng, tiêu cực” và người dân, doanh nghiệp “không chịu, không dám, không thể” hối lộ hay chi “lót tay”, “bồi dưỡng” ... Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, coi trọng học tập, làm theo, nêu gương với những nội dung, việc làm cụ thể, thiết thực cho từng thời gian, gắn liền với giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện phù hợp với từng cán bộ, đảng viên.

    (2) Duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt lệ của cấp ủy và chi bộ. Mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, cấp ủy cần lựa chọn đưa ra một chủ đề hay một câu chuyện, một tấm gương “Liêm chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó giáo dục, nhắc nhở cán bộ, đảng viên noi theo. Đây cũng là biện pháp để nâng cao chất lượng sinh hoạt chính trị, tư tưởng của chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

    (3) Tăng cường các biện pháp kiểm soát việc thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Muốn kiểm soát việc thực thi công vụ, kiểm soát quyền lực, thì phải thực hiện vai trò nêu gương, thực hành dân chủ thực chất, rộng rãi. Tăng cường kỷ luật đảng, kỷ cương hành chính, thực hiện tốt công tác thanh tra công vụ.

    Hai là, những giải pháp từ mỗi cán bộ, đảng viên:

    Trước hết, cán bộ đảng viên phải tự khép mình vào tổ chức, tự giác rèn luyện, tu dưỡng đức tính liêm, chính, thường xuyên tự phê bình, “tự soi, tự sửa” để hoàn thiện bản thân, hoàn thành nhiệm vụ đảng viên ngày một tốt hơn.

    Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, dù ở cương vị nào cũng phải nêu gương về sự liêm chính, nói đúng thì phải làm đúng, dù ở công sở hay ở gia đình và ngoài xã hội.

    Thứ ba, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sáng tạo trong công tác. Nhân cách, uy tín người cán bộ, đảng viên không phải chỉ ở văn bằng, chứng chỉ được đào tạo mà quan trọng là ở năng lực thực tiễn, hiệu quả công việc của họ.

    Học tập và làm theo Bác Hồ, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, không ngừng học tập lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là con đường duy nhất để tiến bộ và phát triển./.

Kiên Trung



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 54
  • Hôm nay: 5731
  • Trong tuần: 76,438
  • Tất cả: 11,799,758